Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

#6: Năng lượng - calorie (phần 1)

Chúng ta đã nhắc rất nhiều về "năng lượng". Vậy nó cụ thể là gì?

Một chiếc xe chạy phải cần có năng lượng, xăng! Chúng ta muốn cơ thể vận hành (tim đập, phổi hô hấp, thận lọc máu...) hay thực hiện những hoạt động (chạy nhảy, bơi lội, nói...) cũng phải cần năng lượng. Chúng ta cũng có thể gọi đó là xăng. Nhưng là dạng xăng đặc biệt mà cơ thể chúng ta "chiết" ra từ thực phẩm.

Giá xăng hôm nay là 12.000/ lít. Lít là đơn vị đo của xăng. Dạng xăng đặc biệt (năng lượng) mà cơ thể chúng ta sử dụng cũng có đơn vị đo: calorie. Hãy nhớ là, calorie không phải là năng lượng, mà là 1 đơn vị đo của năng lượng.
Nó hay được ghi trên các túi bánh, snack, chips... để cho biết sản phẩm đó chứa bao nhiêu năng lượng. Lần sau đi siêu thị, nhớ để ý nhé!

Nào, bây giờ hãy tìm hiểu sự khác biệt của: calorie, kilocalorie, Calorie (chử C viết hoa thấy không)
Giống như 1km = 1000m. Thì ở đây:
1kilocalorie = 1000calories (rất dễ hiểu).

Vậy Calorie vs calorie khác nhau như thế nào?
À, dễ ẹc! Một chữ là" C in hoa"  và  1 chữ là  "c không in hoa". Bạn rất giỏi!

Thật ra nó chỉ là 1 qui ước:  vì viết kilocalorie, chữ này viết rất dài, mất thời gian, nên người ta tự đặt ra là: Calorie = kilocalorie. Vậy thôi! Và các nhà khoa học muốn tiện lợi hơn. Họ đơn giản hóa như thế này:

Kilocalorie = Calorie = kcal
calorie = cal

Hãy nhìn cái nhãn này! C viết hoa, đúng không?

Calories trên cái nhãn chính là kilocalories đấy!

Cách dùng chính xác nhất là như thế. Nhưng nếu bạn có thấy trên sản phâm nào, ghi là calories (c không in hoa) thì cũng đừng ngạc nhiên vì nhà sản xuất đã đơn giản tối đa, nhưng ta vẫn hiểu theo đó là kilocalories.

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

#5: 6 nhóm dinh dưỡng thiết yếu

Khi chúng ta thưởng thức một món ăn, ta thường chú ý đến màu sắc,hình dạng, hương vị và những cảm giác nó mang lại trên đầu lưỡi. Chúng ta cũng hiếm khi có ý định ngừng lại một vài giây để hỏi " những thành phần quái quỉ gì có trong đó?". Và nếu có câu hỏi được đặt ra sẽ đại loại như " nó có ngon không vậy?"  Hay thậm chí là "có phải đồ Trung Quốc không vậy hả?". Thôi, dù sao đó cũng là câu hỏi, có còn hơn không. Nhưng thức ăn chứa đựng nhiều hơn cả thế, là bao gồm nhiều chất hóa học bên trong cái mà được gọi chung là dinh dưỡng. Và trong đó, có 6 nhóm thiết yếu: 

1. Carbohydrate = glucid (đường bột)
2. Lipid (mỡ)
3. Protein ( đạm)
4. Vitamin
5. Minerals (muối khoáng)
6. Water

Đường, đạm, mỡCHỈ 3 CHẤT NÀY CÓ THỂ TẠO NĂNG LƯỢNG.
Chúng sẽ bị phá hủy thành những phần nhỏ hơn, tương tự như nhiên liệu, những phần nhỏ đó là nền tảng cho các hoạt động chức năng. Chúng còn có tên khác là macronutrients. Macro có nghĩa là "lớn": vì chúng là những phân tử lớn, và chúng ta cũng cần chúng với 1 lượng khá lớn. 

Vì tạo năng lượng chỉ có 3 chất này, nên nếu bạn nghe ai nói "hãy uống 1 cốc nước (lọc..) cho đỡ đói rồi làm tiếp công việc của chúng ta". Nước có thể xua tan cơn khát, làm chúng ta giảm cảm giác cồn cào vì nó hòa loãng acid trong dạ dày, và làm căng thành dạ dày để mang cảm giác no. Nhưng thực tế, năng lượng chúng ta vẫn đang cạn kiệt. 


1.CARBOHYRATE
Trong 3 chất trên, carbohydrate là nguồn tạo năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Vì thế, trong khâu phần ăn hằng ngày, chúng ta thường ăn nhiều hơn so với lipid (mỡ) và protein (thịt cá)

Carbo: nghĩa là carbon, hydrate là nước. Bạn sẽ dễ dàng nhớ, trong thành phần của nó sẽ có: C, H, O.

2. LIPID
Cũng là 1 chất tạo năng lượng quan trọng. Nó không tan trong nước. Đặc điểm đáng lưu ý là: khi cơ thể đốt cháy lipid, nó sẽ tạo ra nhiều năng lượng nhất.

 Hiểu nôm na là: nếu bạn ăn 100g lipid và 100g carbohydrate thì 100g lipid đó sẽ giúp bạn tạo ra nhiều năng lượng để hoạt đông hơn 100g carbohydrate đó.

Ngoài ra, màng bào tương của hàng tỉ tế bào trong cơ thể bạn, cũng là do lipid tạo nên.

Điều đó có nghĩa là mỡ, không phải lúc nào cũng đi đôi với bệnh tật, nó là thành phần cấu tạo nên bạn, các hormon (testosterol hormon thể hiện sự menly của chúng ta là do cơ thể tạo ra từ lipid đấy). Chúng ta cần chúng, tất nhiên là ở một mức độ thích hợp.

3. PROTEIN
Mặc dù cũng tạo năng lượng, nhưng đó không phải là vai trò chính của nó. Thành phần ngoài: C, H, O còn có sự hiện diện của N (nitơ) và S (lưu huỳnh).

Vai trò là cấu tạo nên cấu tạo nên các thành phần trong cơ thể: cơ bắp, máu... và các enzym, hormon để điều hòa các phản ứng trao đổi chất. Khi bạn bị thương, sau đó vết thương bắt đầu lành cũng có vai trò của protein.

Vitamin, minerals, water tuy không tạo năng lượng nhưng vô cùng cần thiết cho cơ thể. Hãy xem

4. VITAMIN
Mặc dù không thể tự mình tạo ra năng lương nhưng các vitamin hỗ tợ các enzyme để giải phóng năng lượng từ carbonhydrate, lipid, protein.

Vita có nghĩa là sự sống. Amin là đề cập đến nhóm amin -NH2. Vitamin ý muốn nóí một hợp chất có nhóm amin rất cần cho sự sống. Chúng thúc đẩy hệ miễn dịch, tham gia tạo xương, cơ, máu; tăng cường thị giác....Và chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về từng loại vitamin ở những bài sau.

5. MINERALS
Natri, Canxi, Magie, Sắt, Kẽm... là những minerals hay khoáng chất. Khác với vitamin, khoáng chất không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao (nấu nướng, chế biến...), cũng không thể bị bẻ nhỏ ra.
Mỗi loại khoáng đảm nhiệm một vai trò khác nhau mà chúng ta sẽ đi sâu vào 1 dịp khác.

Ví dụ:
Natri quá nhiều trong cơ thể thì lượng nước sẽ giữ lại nhiều hơn;nếu Natri có quá nhiều trong nước tiểu thì nó sẽ kéo nước đi ra khỏi cơ thể thông qua việc tăng lượng nước tiểu.
Trong khi đó, Kali điều hòa hoạt động của tim.  Canxi thì tham gia vào quá trình tạo xương.

6. WATER
Nước mà bạn cung cấp cho cơ thể ở nhiều hình thức: nước lọc, nước ép, trái cây, rau quả, canh súp. Nó là môi trường để các tế bào hoạt động và các phản ứng xảy ra, giúp thải chất độc: qua thận, qua da, điều hòa nhiệt độ qua việc tiết mồ hôi trong những ngày nóng bức.... Và nó chiếm phần lớn nhất của cơ thể chúng ta 60-61%.

Trong những bài tiếp theo, tôi và bạn sẽ xoay quanh 6 nhóm chất thiết yếu này!

Nguồn tham khảo:
1. The science of nutrition textbook
2. www.vitamins-nutrition.org/vitamins/vitamins-give-energy.html

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

#4: Hiểu DRIs, EAR, RDA, AI, UL, %DV là gì?

Trong quá trình đọc và tìm hiểu các vấn đề dinh dưỡng, bạn sẽ rất hay bắt gặp các thuật ngữ khó hiểu và đôi khi chúng trùng lắp lên nhau, cái mà luôn làm chúng ta bối rối. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào.

1. Dietary Reference Intakes (DRIs): do Mỹ tạo ra, có 4 mục trong đó là: EAR, RDA, AI và UL. Vậy, DRIs là hệ thống lớn nhất, chứa các mục còn lại.
Tác dụng của DRIs là cung cấp thông tin đầy đủ: cho biết với mỗi loại chất nhất định, ta cần bao nhiêu để duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Dưới đây DRIs của vitamin D cho nam nữ với từng độ tuổi với 4 mục con:

Ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa các mục con của nó.

2. RDA ( Recommended Dietary Allowance) : cho biết mỗi ngày chất nào đó  cần trung bình bao nhiêu, ứng với từng đối tượng.
VD: tớ 25 tuổi, thì nhu cầu Vitamin D mỗi ngày là 600 IU. Còn mẹ tớ 51 tuổi, nhu cầu mỗi ngày là 600 IU.
Tiếp theo là UL

3. UL ( Tolerable Upper Intake Level): Liều lượng cao nhất trong 1 ngày bạn có thể dùng mà không gây tác dụng phụ.
VD: tớ 25 tuổi ( thuộc nhóm 19-30 tuổi), có thể dùng 1 ngày 4000 IU vitamin D.

4. EAR (Estimated Average Requirement): liều lượng cần thiết ước đoán của một chất có thể đáp ứng nhu cầu mỗi ngày của 1/2 NHÓM người.
VD: một nhóm có 20 người tuổi từ  19-30, nếu 20 người đó dùng vitamin D 400 IU mỗi ngày, thì có thể  chỉ 10 người được cung cấp đủ vitamin D thôi. Còn 10 người còn lại thì sẽ không đủ vitamin D.

Câu hỏi đặt ra: tại sao RDA của vitamin D từ 19-30 tuổi là 600 IU. Nhưng khi cung cấp chỉ 400 IU thôi, thì vẫn có 10 người đủ nhu cầu vitamin D. Đó là vì RDA chỉ là 1 con số trung bình cho tất cả mọi người. Nếu xét riêng từng người, thì có người sẽ cần nhiều hơn 600 IU, có người cần ít hơn 600 IU. Giải thích tại sao 400 IU cũng là đủ cho 10 người đó, vì cơ thể họ cần chỉ tới mức đó.

Vì từ EAR sẽ tính được RDA, nên ko có EAR sẽ không có RDA. Bạn sẽ thấy hễ EAR bị bỏ trống ở hình trên, thì RDA cũng bị bỏ trống.
Tiếp tục đặt ra 1 câu hỏi, nếu không có EAR, không có RDA, sao ta có thể biết được nhu cầu mỗi ngày của chất đó. Ta sẽ dùng chỉ số tiếp theo:

5. AI (Adequate Inatake): cũng là lượng chất cần thiết mỗi ngày như RDA. Khác biệt là RDA dựa trên những nghiên cứu sẵn có về chất đó, còn AI (khi chưa đủ bằng chứng) thì người ta sẽ quan sát, kinh nghiệm  để xác định nhu cầu ước đoán của chất đó dành cho những người khỏe mạnh chúng ta.
Hãy chú ý bảng trên, khi có EAR, RDA thì ô AI sẽ bỏ trống. Do AI là quan sát và kinh nghiệm, nên nó không chính xác bằng RDA.

6. % DV (% Daily Value): vì bảng DRIs rất chi tiết, nhiều thông tin: tuổi, giới, hàm lượng... Nó tạo ra khó khăn cho việc in lên các nhãn sản phẫm. Nên DV đã ra đời
Nhằm khắc phục sự rườm rà của DRIs, nó chỉ là những con số phần trăm được in trên các túi bánh bạn mua

VD: %DV của Fat là 4%, nghĩa là trong 175g (vd: snack) thì sẽ cung cấp cho bạn 4% chất béo. ( giả sử mỗi ngày cần 100g chất béo thì túi bánh này cung cấp cho bạn 4g). %DV thường dựa trên chế độ ăn 2000 calo mỗi ngày.
Nhưng nên nhớ là con số % này thay đổi theo chế độ ăn  nên nó chỉ là khung để bạn tham khảo và theo dõi mức năng lượng bạn đã nhập vào.

Nguồn tham khảo:
1. DRIs của US: www.ods.od.nih.gov/Health_Information/Dietary_Reference_Intakes.aspx
2. DRIs của Canada: www.hc-sc.gc.ca/fn-an/nutrition/reference/table/index-eng.php
3. www.healthyeating.sfgate.com/difference-between-dri-daily-value-9708.html

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

#3: Nguyên tắc dinh dưỡng

Bất cứ ai trong chúng ta cũng  đã từng ăn một món nào đó, nhiều lần, rất nhiều lần trong ngày hay trong một thời gian dài và chúng ta cảm thấy chán chường ở một lúc nào đó. Thực tế, đó là một phản ứng có lợi cho cơ thể, nó giúp chúng ta hướng đến các loại thực phẩm khác để đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng, không rơi vào tình trạng quá thừa hay quá thiếu một nhóm chất. Việc này là một trong những  điều quan trọng ở việc duy trì tình trạng sức khỏe tối ưu.

Để tránh rơi vào vấn đề tương tự thì SỰ ĐA DẠNG trong chế độ ăn sẽ giúp chúng ta xem việc ăn uống là sự thưởng thức hơn là việc chịu đựng, cố gắng. Vì không có một loại thực phẩm nào trên đời này có thể chứa đầy đủ các nguyên tố hay hợp chất để thỏa mãn toàn bộ nhu cầu của cơ thể, nên việc biến bản thân thành một tín đồ trung thành của một thức ăn, đồ uống nào đó thực sự không phải là điều khôn ngoan. Và, điều này đã xảy ra với....tôi. Ngoài việc tôi và bạn  rơi vào tình trạng thiếu này thừa kia thì bạn và chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hôi để trải nghiệm những món tuyệt vời khác. Hơn nữa bạn nên nhớ, bất cứ loại thức phẩm nào có chứa những chất bảo vệ có lợi, tồn tại song song với nó là những chất có hại mà khoa học vẫn chưa thể xác định được. Hãy thay đổi sự lựa chọn khi có thể ở các nhóm thực phẩm khác nhau và cũng đừng nên tin rằng tồn tại một chế độ ăn lí tưởng được áp dụng cho tất cả mọi người , từ năm này qua năm khác.
Vd: Một tình trạng dễ gặp ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở trẻ em (vì không thể chủ động lựa chọn thức ăn cho minh) gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể phù do thiều protein và thừa glucid www.suckhoedoisong.vn/suy-dinh-duong-the-phu-o-tre-n56125.html do chế độ ăn đơn điệu.

Song, chỉ sự đa dạng trong chọn lựa thức ăn vẫn chưa đủ tạo nên sự hài hòa. Đa dạng, nhưng vẫn là chưa hợp lý nếu bạn ưu tiên ăn quá nhiều hoặc quá ít một loại trong số chúng. Phải có sự ĐIỀU ĐỘ! Hãy tưởng tượng rằng: bạn đang đi ăn một buổi tiệc cưới, với 6 món ăn từ khai vị tới tráng miệng. Nhưng bạn không quan tâm đến bảng thực đơn, không biết số lượng món ăn và bạn cũng đang đói. Món đầu tiên dọn lên, bạn ăn ngấu  nghiến. Món thứ 2, bạn vẫn tranh thủ ăn. Món thứ 3, hình như bạn đã no rồi... Và chắc hẳn, đến món thứ 5 thứ 6, bạn sẽ ăn với lượng rất ít. Cơn đói đã được xua đi nhưng vấn đề dinh dưỡng vẫn còn đó. Sự điều độ là, hãy ăn nhiều phần nhỏ từng loại thức ăn khác nhau. Đừng ăn đến khi quá no mà thở dốc, vì ăn uống là sự thưởng thức chứ không phải cực hình. Không có thực phẩm tốt, cũng không có thực phẩm xấu chỉ tồn tại chế độ ăn tốt hay xấu khi chúng ta kết hợp, chế biến chúng với nhau mà thôi.

Cuối cùng, sự CÂN BẰNG, điều này sẽ được thiết lập khi bạn cung cấp đầy đủ về lượng các thành dinh dưỡng. Đây cũng chính là mục tiêu ta hướng tới. Bạn không cần phải tính toán lượng calori và các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm hằng ngày hay phải cân đo đong đếm mọi thứ bạn ăn, chỉ cần nắm các nguyên tắc then chốt, kiến thức cơ bản về các nhóm chất, thực phẩm bạn sử dụng hằng ngày (nơi chúng hiện diện, tác dụng... (sẽ được đề cập sau)) thì việc đạt và duy trì tình trạng cân bằng dinh dưỡng nằm trong tầm tay.  Tất nhiên, chúng ta sẽ có những công thức giúp bạn tính nhu cầu năng lượng  hằng ngày, những chỉ số giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe cho những ai quan tâm.

Tóm lại, với ba nguyên tắc trên: ĐA DẠNG, ĐIỀU ĐỘ và CÂN BẰNG là những luật lệ bao trùm cho mọi chế độ dinh dưỡng nhằm hướng tới sư khỏe mạnh. Bất chấp việc chúng ta có thể ăn những dạng thực phẩm khác nhau do chịu sự chi phối của những yếu tố như: niềm tin, tôn giáo, văn hóa...thì đây vẫn là những qui luật bất biến.

Nguồn tham khảo:
1. www.youtube.com/watch?v=uy2MoEpXLOY&index=3&list=PL3IIVyZl0FANpdFMnN2PCN1lWmlyr6lKs
2. www.nutritionbyeve.wordpress.com/2009/09/22/moderation-variety-balance-adequacy/
3. www.livestrong.com/article/520921-the-6-basic-principles-of-diet-planning/

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

#2: sự tiến hóa

Từ khi thủy tổ của loài người Australopithecus tách ra khỏi dòng giống khỉ để đặt những bước đi thẳng đứng đầu tiên trên mặt đất, thì tính đến nay mất khoảng gần 3,5 triệu năm. Dù sinh vật bậc thấp hay bậc cao để tồn tại thì sự trao đổi chất là điều bắt buộc - phải tìm được thức ăn. Hình thức đơn giản nhất của hoạt động này không gì khác hơn ngoài săn bắn ( hoặc bắt cá...) và hái lượm (hoa quả, côn trùng). Là một trong những sự thích nghi đầu tiên thành công  nhất của loài người, chúng ta không có gì ngạc nhiên khi hoạt động săn hái này chiếm 90% thời gian trong lịch sử tiến hóa hơn 3 triệu năm.

Sống trong buổi đầu sơ khai với phương pháp đơn giản nhất (săn bắn, hái lươn), chính vì vậy việc đảm bảo một nguồn thức ăn ổn định đối với những con người đầu tiên  thực sự không phải là điều dễ dàng. Thức ăn có thể dư thừa trong hôm nay nhưng khan hiếm vào ngày mai. Hôm nay có thể no căng và tiếp sau là chết đói. Do vậy, cách thích nghi thông mình là ăn nhiều nhất có thể để tích lũy năng lượng cho những ngày đói kém đang chờ. Tình trạng này kéo dài hàng triệu trên bậc tiến hóa, đến mức "xu hướng tích lũy năng lượng" đã được cài vào gen loài người dưới tác động của chọn lọc tự nhiên, một hiện tượng giữ lại những đặc tính có lợi nhất để giúp sống sót trong tình trạng bất ổn lương thực. Và chỉ cho đến thời điểm cách nay mười nghìn năm, khi nền nông nghiệp đầu tiên xuất hiện với 2 phương thức trồng trọt và chăn nuôi thì cảnh phải co chân đuổi theo thức ăn của con người mới dần biến mất. Từ đây xuất hiện một thực tế chưa từng có, thức ăn lần đầu tiên trở nên dư thừa, một viễn cảnh mà con người mà trong giấc ngủ cũng không hề dám mơ tới. Hơn thế nữa, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong 2 lần cách mạng công nghiệp  đã giải phóng đôi tay của con người thay vào đó là những guồng máy không nghỉ giúp khuếch đại năng suất hiệu quả nhất. Từ sau cách mạng công nghiệp thứ 1 vào cuối thế kỷ 18, trong vòng 300 năm ngắn ngủi, sự vượt bậc về công nghệ ngoài kéo theo sự đi lên của kinh tế thì lĩnh vực lương thực thực phẩm cũng có sự biến đổi sâu sắc, toàn diện về dạng, chủng loại và cách sản xuất, chế biến. Nhằm phản ứng với sự bận rộn của cuộc sống hiện đại hậu công nghiệp, thức ăn nhanh (fastfood) bắt đầu trở nên phổ biến vào những năm 1950 tại Mỹ. Nước ngọt có ga (softdrink) mặc dù đã ra đời trước đó nhưng đến đầu những năm 1900 mới thực sự bùng nổ. Cùng với nhiều dạng lượng thực thực phẩm khác...tất cả vì mục đích là phục vụ nhu cầu, thị hiếu ăn uống của con người và đáng chú ý là cô đặc tối đa năng lượng đến mức có thể nhằm để cho ra đời một mẫu bánh có nhiều năng lượng nhất. 

Nếu tỉ lệ lịch sử tiến hóa 3.5 triệu năm của nhân loại với 24 giờ trong một ngày thì tổ tiên chúng ta dành  23h56' để đi nhặt nhạnh rau quả và bắt mồi, khoảng bốn phút để để làm cách mạng nông nghiệp, và khoảng vài giây để thực hiện cách mạng công nghiệp.

Bộ gen chúng ta mất hàng triệu năm để chọn lọc tự nhiên điều chỉnh rồi đạt đến hoàn thiện tầm 99.5% trước khi cách mạng nông nghiệp xảy ra. Và điều tất nhiên là nó được mã hóa trong từng tế bào của loài người đến tận ngày hôm nay. Kiểu gen đã quy định thích hợp cho việc săn bắn hái lươm và thích hợp tiêu thụ những sản phẩm từ quá trình này. Sự phát triển quá nhanh của khoa học, sự thay đổi trong cách ăn uống của người hiện đại làm bộ gen không bắt kịp nhịp điệu, nó đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Và ẩn sâu trong mã gen chúng ta, đâu đó vẫn còn "xu hướng tích lũy năng lượng", đặc tính dẫn dắt chúng ta vượt qua sự đói khát trong những ngày cạn kiệt thức ăn. Giờ đây, trong thế giới hiện đại, thức ăn giàu năng lượng và dễ kiếm hơn, cái xu hướng một thời đã là chìa khóa sinh tồn thì nay bắt đầu xuất hiện những bất cập trong mội trường mới.

Đúng, chúng ta bắt đầu tích lũy, cơ thể không cho chúng ta lãng phí bất kỳ một đơn vị năng lượng nào. Tích lũy năng lượng KHÔNG GIỚI HẠN. Biểu hiện của bản chất đó là sự tăng khối lượng cơ thể  không điểm dừng trừ phi chúng ta ngừng cung cấp. Tự nhiên đã lập trình chúng ta hoàn hảo để thích nghi với những thay đổi của môi trường do chính nó tạo ra. Và chính chúng ta tạo ra một hoàn cảnh mới để phá vỡ sự cân bằng đó.

Trong suốt 3.5 triệu năm, chọn lọc tự nhiên đã dùng nhiều nhân tố: thức ăn, thiên tai, dịch bệnh, kẻ thù... để sàng lọc những mã di truyền qui định các đặc tính có lợi nhất cho loài người chúng ta. Một điều chắc chắn rằng: thức ăn nhanh, nước ngọt có ga,... không phải là những nhân tố đó và chúng cũng không hề có trong những thứ mà tổ tiên ta đã săn bắt ngày xưa.

Phải chăng chúng ta nên cân nhắc?


Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

#1: Dinh dưỡng và sự bối rối

Ăn uống là một trong những hoạt động căn bản nhất để duy trì cơ thể sống. Hãy xét con người chúng ta như một ví dụ, chúng ta làm điều đó nhiều lần trong ngày, ngày này qua ngày khác, suốt cuộc đời...Có bao giờ bạn cắn một miếng bánh và tự hỏi rằng: "Nó có cung cấp gì cho chúng ta? Nó có lợi hay có hại?"... Và có ai trong chúng ta đã từng đọc một tin đại loại như: " Uống cafe có tác dụng ngăn ngừa đái tháo đường type 2 và các bệnh tim mạch khác". Chúng ta bắt đầu uống, nhưng vài ngày sau đó, chúng ta lại đọc một tin trên một tờ báo khác " Uống cafe có thể gây loãng xương". Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao cafe có lợi hôm qua và trở nên độc hại vào ngày hôm sau.

Thật khó để lựa chọn một thực phẩm an toàn khi mà các hình thức thông tin ngày càng phát triển làm bạn luôn phân vân. Tôi và bạn ngập ngụa trong bể thông tin và cố gắng thẩm thấu mọi thứ mà không biết đâu là sự chính xác. Vậy cơ sở nào để giúp chúng ta lựa chọn?

Đầu tiên, chúng ta nên nhớ rằng: dinh dưỡng là một môn khoa học, tức nó đòi hỏi cần bằng chứng. Bạn và thậm chí tôi đã từng nghe một lời khuyên nào đó nên ăn cái này, nên uống cái kia vì nó tốt cho sức khỏe.
Ví dụ bạn nên uống vitamin C khi bị cúm vì nó giúp bạn mau khỏi bệnh. Điều này thực sự đã trở thành một thần thoại của vitamin C và bệnh cúm. Nhưng thực tế chưa đi xa đến thế, tác dụng ngăn ngừa cúm của vitamin C còn đang nghiên cứu, hiệu quả của nó chưa thực sự ý nghĩa. Đây là một nghiên cứu của một trang web y khoa hàng đầu medscape: www.medscape.com/viewarticle/821924

Thứ 2, khi đọc một thông tin dinh dưỡng bạn cần biết nó xuất phát từ những nguồn đáng tin cậy hay không: ai đã viết (bác sĩ, dược sĩ...), công ty nào... Và bạn hãy tự cân nhắc mà chọn lựa. Đặc biệt, ngày này với sự phát triển của truyền hình, các cuộc giao lưu gặp gỡ, bạn dễ dàng bắt gặp sự tư vấn về vấn đề làm đẹp cũng như cách ăn uống từ những người nổi tiếng: ca sĩ, diễn viên, hoa hậu...Họ có thể rất xuất sắc trong làng giải trí, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ cũng uyên bác trong lĩnh vực sức khỏe mà bạn quan tâm.

Thứ 3, nếu bạn từng đọc những thông tin như: ăn bột ngọt ảnh hưởng đến trí nhớ, đại loại thế! Và nhiều thông tin tương tự: ăn cái này, uống món kia... sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận hay một chức năng của cơ quan nào đó trên cơ thể của bạn. Hãy dừng lại và tự hỏi: nó ảnh hưởng như thế nào? khả năng ảnh hưởng là bao nhiêu phần trăm? ăn bao nhiêu sẽ bị ảnh hưởng?
Lấy bột ngọt làm một ví dụ,  bột ngọt (monosodium glutamat), vì glutamat là chất dẫn truyền thần kinh trong việc học hỏi và ghi nhớ, theo lý thuyết nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động não, nhưng thực tế nghiên cứu chưa thấy mối liên hệ nào. Mà trong khi đó, chúng ta sử dụng nêm nếm với liều rất thấp. www.http://viendinhduong.vn/news/vi/348/12/2/a/mi-chinh-co-an-toan-cho-suc-khoe-cua-nguoi-tieu-dung-khong.aspx
Những điều trên cũng tương tự như ly cà phê bạn uống, nó có tác dụng tốt cho tim mạch, và cũng có thể là yếu tố thúc đẩy loãng xương. Mặt tích cực hay tiêu cực là do cách ta sử dụng chúng.

Cuối cùng, hãy cẩn thận để tránh sự ngộ nhận. Bạn đã từng sử dụng một loại thực phẩm hay một loại thuốc nào đó và thấy rằng: nó thật công hiệu. Khoan đã! Bạn có từng nghĩ, vấn đề sức khỏe của bạn được giải quyết là do cơ thể của bạn tự khắc phục chứ không hề do những thứ bạn đưa vào cơ thể.
Nếu sống đến từng tuổi này, chúng ta phải từng bị cảm nhiều hơn một lần . Nhớ lại xem! Bạn đi đến hiệu thuốc tây nào đó,  cô dược sĩ (cứ cho là thế) đưa bạn viên kháng sinh nào đó để uống, một ngày nào đó bạn khỏi bệnh. Và bạn (trong đó có tôi) hô to: thuốc hay thật! Nhưng có một điều là, kháng sinh mà bạn uống chỉ có thể diệt được vi khuẩn, trong khi cảm cúm mà bạn mắc phải là do virut. Thuốc bạn uống không hề tác động đến chúng và sự hồi phục của bạn là do miễn dịch trong cơ thể đẩy lùi vi rút cùng với sự thoái lui theo diễn tiến tự nhiên của bệnh cúm.